Không đăng ký kết hôn không có quyền chia tài sản chung theo luật pháp Việt Nam. Trong trường hợp không có hợp đồng tài sản hoặc các thỏa thuận khác, các tài sản sẽ thuộc quyền sở hữu của người mua hoặc người kinh doanh. Việc đăng ký kết hôn sẽ tạo một cơ sở pháp lý để chia sẻ tài sản chung.
Người yêu tôi muốn dùng hết tiền tiết kiệm của cả hai để mua nhà. Nhưng anh lại chỉ muốn đứng tên anh.
Tôi và anh quen nhau từ năm cuối đại học, khi ra trường cả hai đi làm cùng một công ty nên anh đề nghị chúng tôi về sống chung để tiết kiệm chi phí. Tôi thấy như vậy cũng hợp lý vì đằng nào chúng tôi cũng đã quyết định đi đến hôn nhân.
Chúng tôi thuê một phòng trọ rộng 15m2 với giá 1,5 triệu đồng/tháng tại phố Định Công, Hà Nội và có những thỏa thuận rõ ràng về chi tiêu. Khi đó, lương tôi được khoảng 7 triệu đồng/tháng, còn anh được 10 triệu đồng/tháng. Cả hai thống nhất, lương của anh sẽ dùng để chi trả tiền phòng, tiền sinh hoạt, tiền ăn uống, đi lại mỗi tháng. Tiền lương của tôi sẽ cho vào quỹ tiết kiệm.
Cuối cùng sau hơn 5 năm, chúng tôi đã ổn định và tiết kiệm được hơn 400 triệu đồng nên lên kế hoạch tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, đám cưới bị hoãn ngay sau đó vì ba anh bị bệnh nặng không qua khỏi và anh phải để tang 3 năm. Gia đình anh cũng yêu quý và xem tôi là con dâu trong nhà nên động viên tôi cứ dọn về nhà sống chung, còn đám cưới hay giấy đăng ký kết hôn cứ để sau.
Cách đây một tháng, một người bạn của tôi cần tiền bán nhà gấp, tôi bàn với anh dùng tiền tiết kiệm và vay thêm người thân, bạn bè để mua nhà. Đương nhiên, chúng tôi không thể cùng đứng tên trong sổ hồng vì chưa có đăng ký kết hôn. Tôi giục anh đi làm thủ tục thì anh nói chuyện hôn nhân không thể vội vàng, hai chúng tôi là một thì “ai đứng tên mà chẳng được”… nhưng cuối cùng anh lại chỉ muốn đứng tên anh. Tôi không đồng ý, anh bắt đầu nổi nóng, đòi chia tay vì cho rằng tôi không tin tưởng anh.
Liệu nếu không đăng ký kết hôn, khi chúng tôi “đường ai nấy đi”, tài sản chung đó có được chia đôi không?
Ảnh minh họa.
Theo Điều 14 Luật hôn nhân gia đình 2014, việc chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật thừa nhận nên việc giải quyết hậu quả về tài sản và quyền nuôi con khi nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định như sau:
Do không có quan hệ vợ chồng nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng. Quan hệ tài sản sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cũng theo quy định tại Điều 207 và 219 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 207. Sở hữu chung
"Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.
Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung."
Điều 219. Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung
" 1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.
2.Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán."
Như vậy, tài sản sẽ được giải quyết theo nguyên tắc:
- Tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó.
- Tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Hôn nhân là việc xác lập quan hệ vợ chồng khi đã đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật. Nếu chỉ chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn thì quan hệ đó không được pháp luật thừa nhận. Do đó, những tài sản chung mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân sẽ không được chia theo luật hôn nhân và gia đình mà áp dụng quy định của pháp luật dân sự.