Mỗi lượng vàng miếng hiện đảo chiều tăng 1,5 triệu đồng sau khi rớt mạnh 4 triệu trong hai tiếng trước, lên 77,5 triệu đồng.
Lúc 15h50, mỗi lượng vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết 74,5 - 77,5 triệu đồng một lượng, tăng 1,5 triệu đồng so với hai tiếng trước. Tuy nhiên, chênh lệch mua bán vẫn giữ nguyên ở mức 3 triệu đồng.
Tại DOJI giá cũng đảo chiều tăng nhanh, song chênh lệch mua bán nới rộng lên 5,5 triệu đồng một lượng. Chiều mua vào hiện là 72 triệu đồng, còn bán ra 77,5 triệu đồng.
Giá vàng miếng tăng trong khi thế giới lại giảm chục USD về 2.077 USD. Sau nhiều đợt điều chỉnh mạnh trong ngày, giá vàng miếng SJC đã thu hẹp khoảng cách với thế giới về hơn 16 triệu đồng một lượng.
Trước đó, giá vàng SJC đã trải qua thời gian ngắn rơi tự do. Lúc 13h45, SJC bất ngờ điều chỉnh giá về 74 - 77 triệu đồng một lượng. DOJI cũng giảm xuống 74 - 77 triệu đồng mỗi lượng. Mức giá này giảm gần 3 triệu đồng so với đầu giờ sáng, mức điều chỉnh mạnh chưa từng có.
Chênh lệch mua bán cũng được nới rộng lên 3 triệu đồng, gấp đôi so với ngày hôm qua. Động thái này thường được các doanh nghiệp vàng áp dụng khi giá biến động mạnh nhằm hạn chế rủi ro.
Khoảng 14h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC điều chỉnh giá vàng giảm thêm 1 triệu so với trước đó nửa tiếng, về 73 triệu mua vào và 76 triệu đồng bán ra. DOJI cũng giảm giá bán ra xuống 76 triệu đồng nhưng giá mua vào chỉ còn 72 triệu đồng, biên độ mua - bán nới rộng lên 4 triệu đồng.
Khác với sự "nhảy múa" của vàng miếng, giá vàng nhẫn và nữ trang chiều nay vẫn ổn định ở khoảng 63-64 triệu đồng mỗi lượng, không biến động so với những ngày gần đây. Biên độ mua - bán với loại sản phẩm này giữ ở ngưỡng dưới 1 triệu đồng.
Giá vàng trong nước rơi mạnh sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối ngày 27/12 đã gửi công điện tới Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành về giải pháp quản lý thị trường vàng, trong đó yêu cầu điều hành giá trong nước theo thị trường, không để vênh cao với quốc tế.
Tại các cửa hàng vàng ở TP HCM chiều nay, bất chấp giá biến động mạnh, nhiều người vẫn đến giao dịch, chủ yếu là vàng miếng.
14h50, lượng khách ra vào liên tục tại quầy vàng miếng SJC Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 5), trong đó có cả mua và bán. Có người thấy giá xuống nên tới mua thêm 5 chỉ.
Chỉ trong nửa tiếng, có khoảng 40-50 lượt khách tới mua bán vàng miếng, sôi động hơn giao dịch nữ trang. Nhiều khách hụt hẫng khi thấy chênh lệch mua bán nới rộng, có người gọi điện thoại hỏi người thân trước khi chốt bán.
Một cặp vợ chồng ở Quận 5 kể mua khi giá 60 triệu đồng. "Hôm qua thấy giá 80 triệu nhưng chưa bán, nay thấy rớt mạnh lại mang đi bán vì sợ giảm thêm", người chồng nói.
Một khách hàng lớn tuổi khác mang 3 lượng vàng được biếu làm của để dành đi bán vì thấy được giá. Nhưng khi tới nơi, giá giảm mạnh, bà được nhân viên khuyên không nên bán nếu chưa cần tiền mặt, có thể lỗ khi giá đang chênh lệch cao như vậy. "Nhưng tôi vẫn quyết bán luôn vì để thêm sợ giảm tiếp", bà nói.
Tại Hà Nội, không khí giao dịch cũng sôi động hơn khi giá vàng miếng giảm nhanh. Lúc 15h20, tại một tiệm vàng trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, lượng khách ra vào tấp nập, nhân viên phải kê thêm ghế nhựa để khách ngồi chờ tới lượt thanh toán.
Dù giá liên tục giảm, lượng khách mua vẫn có phần nhỉnh hơn. Tâm lý sốt ruột sau nhiều ngày vàng neo cao là một phần lý do khiến nhiều người mua vàng lúc này. Anh Vũ (Cầu Giấy) cho biết đã tranh thủ xin nghỉ 30 phút giữa giờ chiều để ra mua hai lượng vàng miếng. Mấy ngày nay, giá vàng neo ở vùng 80 triệu khiến anh chần chừ. "Tôi chờ mãi, giờ giá mới giảm để mua vào. Về lâu dài, tôi cho rằng vàng nhất định sẽ đi lên", anh nói.
Trong khi đó, việc các cửa hàng liên tục hạ giá mua, nới rộng biên độ với giá bán tới 4-5 triệu khiến người cầm vàng ngại bán lỗ. "Chỉ vài phút mà giá vàng giảm mấy triệu nên tôi chuyển từ ý định bán thành mua", một khách hàng đến giao dịch cho hay. Tại cửa hàng này, giá vàng miếng SJC mua vào lúc 15h30 chỉ còn 71,5 triệu, trong khi bán ra 76 triệu đồng mỗi lượng.
Sau thời gian dài "bất động" dù thế giới biến động mạnh, giá vàng miếng SJC hai tháng gần đây bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa hai thị trường ngày càng lớn. Đỉnh điểm, ngày 26/12, bất chấp thị trường thế giới đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD một ounce, giá vàng miếng trong nước "nổi sóng" tăng hai triệu đồng trong ngày và xác lập kỷ lục trên 80 triệu đồng một lượng, đắt hơn quốc tế 20 triệu đồng. Hai ngày vừa qua, giá SJC vẫn neo quanh mốc cao này.
Các chuyên gia cho rằng, kịch bản giá vàng tăng phi mã và rơi tự do không phải diễn ra lần đầu. Giá vàng miếng đã có nhiều phiên tăng nhanh hơn, diễn biến lệch pha hoặc giảm chậm hơn so với thế giới. Năm ngoái, vàng miếng từng dậy sóng dư luận khi cách biệt so với thế giới trên 20 triệu đồng.
Lý giải sự lệch pha này, giới chuyên gia cho rằng thị trường vàng miếng là thị trường đặc biệt, thường được gọi là thị trường không hoàn hảo. Đây là một hàng hóa đặc biệt bởi nguồn cầu tăng nhưng nguồn cung "đứng im suốt nhiều năm qua".
Minh Sơn - Quỳnh Trang