Trải qua biến cố cháy xưởng gỗ, anh Lê Ngọc Tùng gặp không ít khó khăn. Nhưng cũng nhờ đó, anh đã nảy ra ý tưởng sáng tạo vô cùng độc đáo là biến những mảnh gỗ cháy sau sự cố thành các món đồ nội thất.
Trong căn nhà 70 m2, anh Tùng đã thiết kế toàn bộ cửa thông phòng và nội thất từ những thanh gỗ còn sót lại sau vụ cháy. Những tấm gỗ cháy có kích thước lớn được anh thiết kế thành các bộ bàn ghế. Với gỗ vụn, anh Tùng ghép chúng lại với nhau.
Gỗ ghép từ nhiều loại dễ gây loạn mắt nhìn, nên anh Tùng dùng đục đánh lõm để phá vỡ cấu trúc vân. Sau đó, gỗ sẽ được lau màu bề mặt để hoàn thiện. Quá trình tạo ra một đời sống mới cho những mảnh gỗ còn sót lại và đánh lõm vảy cá như nhắc nhở anh Tùng hình tượng "cá chép hóa rồng", nhắn nhủ cho gia chủ về những gì đã trải qua.
"Gỗ cháy tạo ra nhiều hình dạng kì lạ chẳng nghệ nhân nào làm được. Hơn nữa, nhờ om trong đám cháy mà gỗ được sấy một cách tự nhiên. Nếu sử dụng làm nội thất trong nhà, gỗ cháy sẽ hấp thụ khí CO2 tốt hơn", anh Lê Ngọc Tùng chia sẻ.
Yêu thích những thứ bản địa, nên ngoài gỗ cháy, anh Tùng còn sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường như đất và gạch nung tự nhiên. Trong đó, anh sử dụng đất cho các sàn phòng ngủ, cầu thang, tường trang trí... Sàn đất được anh sử dụng thêm các thủ pháp cùng hóa chất để giữ nguyên màu tự nhiên. Do đó, bề mặt sàn dễ cảm thụ mà vẫn thuận tiện trong việc vệ sinh.
Tuy nhiên, nhà xây dựng theo xu hướng mới nên vẫn phải tối đa công năng sử dụng. Anh Tùng đã thay đổi nhiều so với thiết kế ban đầu. Cụ thể, anh đã tạo ra nhiều khoảng không gian, đón nắng vào phòng. Đặc biệt, anh Tùng đã đưa bếp về phía trước và đặt phòng khách phía sau để hướng trọn góc nhìn ra khoảng sân lớn.
Đối với phòng tắm, chủ nhà đã sử dụng sàn bê tông mài, tường đất và kết hợp các vật liệu gỗ với nhựa thông minh để phòng luôn sạch sẽ, đồng thời giảm giá thành.
Ngôi nhà được hoàn thiện trong khoảng 2,5 tháng với chi phí gần 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh Tùng tham gia vào phần lớn quá trình sửa nhà nên chi phí đã tiết kiệm đáng kể.