Có phải khi quan sát đồng hồ, bạn thường hay chú ý đến kim giờ, kim phút mà quên mất sự hiện diện của kim giây? Do đó, 7 bí ẩn về kim giây đồng hồ dưới đây có thể khiến bạn không ngờ tới.
Kim giây dễ thấy nhất nhưng ít được dùng nhất
Kim Giây là bộ phận chuyển động nhanh nên mắt dễ thấy nhất trên đồng hồ. Nhưng hầu như không ai cần đến nó khi xem thời gian. Đa số mọi người chỉ cần biết bao nhiêu giờ bao nhiêu phút, bao nhiêu giây không quan trọng vì nó là khoảng thời gian quá nhỏ.
Kim giây đồng hồ nói chung chỉ cần nếu chúng ta đang theo dõi thời gian làm việc gì đó, khoảng thời gian này ngắn hoặc yêu cầu độ chính xác cao, ví dụ như khi chơi thể thao, làm thí nghiệm.
Bí ẩn về kim giây đồng hồ có thể không có
Từ việc kim giây không quá hữu dụng trong cuộc sống bình thường, nhiều thương hiệu hoặc dòng sản phẩm đã loại bỏ kim giây ra khỏi đồng hồ để tăng vẻ cổ điển (giây ra đời khá trễ nên phần lớn đồng hồ cổ không có chức năng này), sự tinh tế, đơn giản cho đồng hồ.
Điều này được thể hiện rõ nét bởi thương hiệu đồng hồ DANIEL WELLINGTON đình đám hiện nay cùng nhiều sản phẩm đồng hồ sử dụng máy thạch anh khác (do kim giây đồng hồ máy thạch anh chuyển động giật không đẹp như kim giây trôi của đồng hồ cơ).
Kim “giây” trung tâm chưa chắc là kim giây
Nhiều người thường cho rằng kim nhỏ và dài nhất ở trung tâm là kim giây đồng hồ. Tuy nhiên, điều này chưa chắc chính xác. Ở trên những chiếc đồng hồ có chức năng Bấm Giờ – Chronograph thì kim giây trung tâm thường là kim giây bấm giờ. Kim này chỉ chạy khi chức năng Chronograph được kích hoạt, bình thường sẽ đứng yên.
Vì thế, nếu bạn thấy mẫu đồng hồ nào có kim giây trung tâm không chạy thì đừng vội lo lắng là nó hư. Hãy xem mẫu đồng hồ này có nhiều nút bấm, nhiều kim hay không. Nếu có thì chắc đó là đồng hồ Chronograph rồi.
Một khía cạnh khác để giải thích vì sao kim giây bấm giờ lại được đặt ở trung tâm thay vì kim giây đồng hồ đó là để cho người dùng dễ đọc giây bấm giờ hơn (do có ở trung tâm chứ không phải mặt phụ nên các thước đo, con số to, rõ hơn).
Kim giây còn gọi là giây nhỏ nếu kim không ở trung tâm
Trong phần kim “giây” trung tâm chưa chắc là kim giây ở trên, chúng ta có thể thấy hình ảnh những chiếc đồng hồ có kim Chronograph ở trung tâm, vậy kim giây đồng hồ ở đâu?
Nó sẽ nằm ở mặt phụ. Mặt phụ này thường đặt ở vị trí 6 giờ, đôi khi cũng đặt ở vị trí 9 giờ. Chức năng giây này sẽ được gọi là Giây Nhỏ (Small Second). Ngoài ra, nhiều mẫu đồng hồ không có Chronograph nhưng vẫn đặt kim giây đồng hồ ở mặt phụ, đây chính là thiết kế mặt số đồng hồ theo kiểu cổ điển (phong cách đồng hồ bỏ túi).
Nếu bạn thấy một chiếc đồng hồ nào có mặt số phụ, mặt số phụ này có kim chạy liên tục như kim giây thì đây đúng là kim giây đồng hồ mà bạn đang tìm kiếm rồi. Tất nhiên, Giây Nhỏ và Kim Giây Bấm Giờ vẫn thường bị nhầm lẫn với nhau, để phân biệt chúng, nên kiểm tra thông tin từ nhà sản xuất nếu bạn không có kinh nghiệm.
Kim giây được dùng để phân biệt đồng hồ cơ và đồng hồ thạch anh
Cách đơn giản nhất để phân biệt hai loại đồng hồ cơ và đồng hồ thạch anh (quartz) đó chính là xem kim giây của chúng. Kim giây đồng hồ cơ sẽ trôi (chuyển động lướt, nhích nhẹ như trôi) còn kim giây đồng hồ thạch anh sẽ giật (chuyển động từng nấc, nhích-nghỉ liên tục).
Số lần kim giây di chuyển bằng tần số dao động trên đồng hồ cơ
Nếu như không cố ý thay đổi chuyển động tự nhiên của kim giây thì tất cả đồng hồ cơ đều có tần số dao động tương ứng với số lần kim giây di chuyển. Ví dụ như tần số dao động 28800 vph thì kim giây sẽ di chuyển 28800 lần/giờ.
Vì thế, nếu biết được tần số dao động của đồng hồ, bạn sẽ biết được chiếc đồng hồ đó có kim giây trôi “mịn hay không. Tần số dao động càng cao, kim giây di chuyển càng nhanh, vì thế nó trôi càng mịn.
Dù rằng sự di chuyển của kim giây trên đồng hồ cơ bình thường chỉ mang tính trình diễn nhưng trên đồng hồ cơ có chức năng Bấm Giờ nó rất quan trọng. Kim giây bấm giờ có cùng tốc độ với kim giây đồng hồ, vì thế, nếu di chuyển càng mịn, đơn vị đo Bấm Giờ càng nhỏ, từ đó thời gian được đo chính xác hơn.
Kim giây có dạ quang để biết đồng hồ lặn còn hoạt động
Nếu để ý, hẳn bạn sẽ thấy hầu hết đồng hồ dạ quang thông thường đều chỉ có sơn dạ quang trên hai kim giờ, phút, nhiều hơn nữa thì có trên các cọc số còn trên kim giây thì rất ít gặp (vì giây không quan trọng khi xem thời gian như đã nói ở trên) nhưng vấn đề này lại là sống còn với đồng hồ lặn.
Khi ở dưới nước, trong môi trường tối tăm, vì hai kim giờ phút di chuyển với tốc độ quá chậm nên chúng khó dùng để nhận biết chiếc đồng hồ có còn hoạt động hay không trong chớp nhoáng (vì môi trường nước rất nguy hiểm nên điều này phải được nhận biết nhanh để tránh tình trạng thời gian sai lệch, hết oxy, chưa giảm áp xong…).
Trong khi đó, kim giây chuyển động nhanh, nếu nó ngừng di chuyển, thợ lặn sẽ biết được ngay khi nhìn thấy phần có sơn dạ quang của nó đứng yên một chỗ. Vì thế, kim giây sơn dạ quang là điều bắt buộc đối với bất kỳ đồng hồ lặn nào theo chuẩn ISO 6425.
Trên đây là 7 bí ẩn về kim giây đồng hồ. Kim giây quả là thứ có nhiều thú vị đúng không? Hãy cập nhật tin tức về đồng hô thường xuyên trên website của SHOPDONGHO.com nhé.